Trước năm 1974, Trung Quốc không có “mảnh đất
cắm dùi” ở Biển Đông thì nay họ lại đòi chủ quyền đến 80% diện tích sau
khi cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Ai đã tiếp tay cho Trung Quốc làm
điều này?
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Tàu Trung Quốc bắn vòi rồng về phía tàu Việt Nam (ảnh chụp từ tàu Trung Quốc)
Nếu xâu chuỗi những dự kiện lịch sử, liệu chúng ta có thể thấy được vai trò gì của Mỹ trong việc này?
Hẳn chúng ta còn nhớ năm 1972, Trung Quốc đã bán đứng Việt Nam cho Mỹ
bằng Thông cáo Thượng Hải ra ngày 27/2/1972, tức là 10 ngày sau khi Tổng
thống R. Nixon rời Mỹ đến Bắc Kinh.
Với bản Thông cáo này, Trung Quốc buộc Mỹ chấp nhận chính sách “một
Trung Quốc”, mở đường cho việc đẩy Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc, để
nhường chỗ cho Trung Quốc lục địa. Đổi lại Mỹ cần Trung Quốc giúp giải
quyết chiến tranh Việt Nam. Và Trung Quốc đáp ứng.
Sau khi được Trung Quốc “bật đèn xanh”, từ ngày 18/12 đến ngày
30/12/1972, Mỹ trở mặt và cho mở chiến dịch Linebacker II, mà ta gọi là
Trận Điện Biên Phủ trên không, bằng cách dùng máy bay ném bom B-52 rải
thảm suốt 12 ngày đêm nhằm huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và
các mục tiêu khác.
Kết quả, Mỹ thất bại ê chề và buộc phải nối lại đàm phán tại Paris, dẫn đến ký kết Hiệp định Paris năm 1973.
Trong thời kỳ này, Báo Nhân dân đã có bài xã luận "Thắng lợi của xu thế
cách mạng", qua đó tỏ rõ quan điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và
Cộng hòa miền Nam Việt Nam là "thời kỳ của các nước lớn tập trung lại để
đè bẹp các nước nhỏ đã vĩnh viễn qua rồi". Đồng thời qua bài xã luận
này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn thể hiện thái độ của mình với cuộc
gặp giữa Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai với Tổng thống Richard Nixon tại
Thượng Hải, Trung Quốc.
Tổng thống Nixon (phải) bắt tay Chủ tịch Mao Trạch Đông ngày 29/2/1972
Chỉ hai năm sau vụ Trung Quốc bán đứng Việt Nam cho Mỹ, năm 1974, Mỹ và
Trung Quốc tiếp tục câu kết để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam.
Từ ngày 17 đến 20/1/1974, diễn ra cuộc hải chiến giữa lực lượng hải
quân Việt Nam Cộng hòa và các lực lượng vũ trang của Trung Quốc tại
Hoàng Sa. Trung Quốc đưa quân đánh chiếm các đảo thuộc nhóm đảo phía
tây của quần đảo Hoàng Sa do quân đội Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Trong
giai đoạn này, Mỹ thực hiện chính sách “mơ hồ” đối với vấn đề chủ quyền
Biển Đông, thực chất là làm ngơ trước việc Trung Quốc từng bước lấn
chiếm Biển Đông.
Ngày 20/1/1974, vào lúc xảy ra hải chiến Hoàng Sa, Ngoại trưởng Việt
Nam Cộng hòa Vương Văn Bắc đã thông báo tình hình chiến sự cho Đại sứ Mỹ
Martin và yêu cầu Mỹ cho biết có dành cho Việt Nam Cộng hòa sự ủng hộ
nào về vật chất, chính trị với tư cách là nước đồng minh, cũng như với
tư cách là quốc gia đã ký kết và bảo đảm cho Hiệp định Paris 1973 không?
Nhưng không nhận được trả lời của Hoa Kỳ.
Ngày 22/1/1974, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon về biến cố Hoàng Sa.
Một số tư liệu giải mật gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết rõ hơn về
thái độ “thấy chết mà không cứu” của Mỹ trong vụ Trung Quốc đánh chiếm
khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa do quân đội Việt Nam Cộng hòa kiểm soát
năm 1974. Hồ sơ chính thức về hoạt động ngoại giao của Chính phủ Mỹ
giới thiệu biên bản cuộc họp ngày 25/1/1974, một tuần sau trận hải chiến
Hoàng Sa, tường thuật cuộc họp về Đông Dương do Ngoại trưởng Mỹ Henry
Kissinger chủ trì, có đoạn:
- Đô đốc Thomas H. Moorer, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân, báo cáo: “Chúng ta đã tránh xa vấn đề”.
- Ngoại trưởng Kissinger hỏi lại: “Chúng ta chưa bao giờ ủng hộ tuyên
bố chủ quyền của họ (chính quyền Nam Việt Nam) phải không?”.
- Đô đốc Moorer trả lời: “Toàn vùng đó là cả vấn đề. Trường Sa và các
đảo khác có cùng vấn đề - đó là lãnh thổ đang tranh chấp. Chúng tôi đã
ra lệnh tránh khỏi vùng đó”.
- Ngoại trưởng Kissinger hỏi: “Ai khởi đầu trận chiến ở Hoàng Sa?”.
- Đô đốc Thomas H. Moorer mô tả: “Một đội tuần tra của Nam Việt Nam
trong khu vực phát hiện một số tàu Trung Quốc tiến về các đảo và đưa
khoảng 75 người lên đảo Duncan (Quang Hòa). Đó là một trong các đảo phía
nam của nhóm Nguyệt Thiềm”.
Và kết quả của những cuộc thảo luận trong giới chóp bu Hội đồng An ninh
quốc gia Mỹ về cuộc hải chiến Hoàng Sa đã dẫn tới chủ trương được ghi
rõ trong biên bản cuộc họp, có đoạn: “Chúng ta chỉ thị cho Đại sứ quán
Mỹ tại Sài Gòn khuyên Chính phủ Việt Nam cộng hòa thực thi những hành
động tối thiểu để tự vệ và cứu công dân của họ (và sĩ quan Mỹ), nhưng
cần làm bất cứ điều gì có thể để tránh đụng độ trực tiếp với lực lượng
của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Điều cuối cùng mà Chính phủ Việt Nam
Cộng hòa hoặc chúng ta cần lúc này là làm sao cho cuộc đụng độ giữa Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về các đảo ít tác
động tiêu cực tới vai trò của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong cuộc
xung đột tại Việt Nam”.
Thế rồi, Nhà Trắng đã ra thông cáo báo chí có đoạn: “Chính phủ Hoa Kỳ
không đứng về phe nào trong các cuộc tranh chấp xung đột về quần đảo
Hoàng Sa, song mạnh mẽ mong muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa
bình... Lực lượng quân sự Mỹ không dính líu vào vụ này”.
Cũng cần nhắc lại, trong cuộc gặp ngày 23/1/1974 với Hán Tự, quyền
Trưởng Phái đoàn liên lạc của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại
Washington, Ngoại trưởng Kissinger nói: “Mỹ không có lập trường trong
việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nam Việt Nam tại các đảo này”.
Vậy thì Mỹ có dính dáng gì đến vụ Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan
Hải Dương 981 vào vùng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông ngày
2/5/2014 hay không?
Quan hệ Mỹ-Trung giờ đây đã chuyển sang một giai đoạn vừa là đối tác
vừa là đối thủ chiến lược. Một mặt, chính quyền Mỹ nói việc Trung Quốc
sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông sẽ làm ảnh hưởng
tới tự do hàng hải. Tuy nhiên, đây là lý do rất mù mờ. Chả ai đem tàu
chiến ra chặn thương thuyền bao giờ. Mỹ nói chuyển trục sang châu Á để
bao vây Trung Quốc, nhưng từ mấy năm nay, kế hoạch này trục trặc đủ
đường, chưa đi đến đâu cả.
Mặt khác, Mỹ tuyên bố sẽ không đánh đổi quan hệ kinh tế, thương mại với
Trung Quốc chỉ để bảo vệ các đồng minh, vốn chẳng đem lại nhiều lợi lộc
gì cho Washington, tại châu Á.
Câu hỏi đặt ra là Mỹ được gì từ việc để Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam
và xa hơn nữa là độc chiếm Biển Đông? Đây là câu hỏi khó có lời giải đáp
rõ ràng. Có thể giữa Mỹ và Trung Quốc không có màn đi đêm trong vụ
Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng chủ quyền của Việt Nam, nhưng cũng có
thể Mỹ biết mà làm lơ để từ đó buộc Việt Nam phải từ bỏ chính sách độc
lập tự chủ, ngả hẳn theo Mỹ. Việc có được đồng minh như Việt Nam với
3.260 km bờ biển, lại tiếp giáp phía nam của Trung Quốc, là điều “mơ
ước” của nước Mỹ trong việc ngăn chặn sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Những phản ứng của Mỹ sau khi Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ
quyền của Việt Nam cũng chỉ dừng ở những phát biểu ngoại giao. Đây được
đánh giá là phản ứng quá nhẹ đối với hành động xâm lược của Trung Quốc.
Cũng có thể, sự làm lơ của Mỹ trong vụ này sẽ được Trung Quốc đền đáp
bằng một thứ gì khác, hoặc về kinh tế hoặc về ngoại giao, nhất là khi Mỹ
đang rất cần Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Nga tại Ukraina. Có lẽ
thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời cụ thể.
Đăng nhận xét